TẠI BẢO TÀNG MỸ THUẬT TPHCM
|
Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là bảo tàng chuyên ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi sưu tầm, lưu giữ và trưng bày hiện vật mỹ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. Một trong những bộ sưu tập nghệ thuật quý của phần mỹ thuật đương đại mà Bảo tàng sưu tầm được trong thời gian qua là sưu tập mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975, gồm các tác phẩm hội họa và điêu khắc của các họa sĩ và điêu khắc gia Sài Gòn giai đọan 1954 – 1975. Có thể xem đây là bộ sưu tập mỹ thuật đặc sắc thể hiện đặc trưng của mỹ thuật miền
Bộ sưu tập mỹ thuật Sài Gòn trước năm 1975 có khoảng 50 tác phẩm hội họa với các loại chất liệu như lụa, sơn dầu, sơn mài, sơn mài trên giấy, khắc gỗ – thủ ấn họa và 103 tư liệu, phác thảo tranh, trong đó có 50 tư liệu, phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Số tác phẩm điêu khắc có 7 tác phẩm với chất liệu đá, đồng, bêtông. Ngoài ra, còn một số tác phẩm hội họa được sáng tác trước năm 1954 gồm 9 tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy như “Tỷ tài Đế Thích” (lụa) 79x40cm của Nguyễn Nhật (1935), “Thiếu nữ đàn” (lụa) 100x47cm của Lê Văn Huệ (1939), “Vịnh Hạ Long” (sơn mài) của Ủ Văn An, “Tĩnh vật” (sơn dầu) 63x88cm của Nguyễn Phi Hoanh (1942), ”Trầu cau”, “Tạm biệt”, “Đánh ghen” (khắc gỗ – thủ ấn họa) của Tú Duyên (1952), “Thiếu nữ xưa” (lụa) của Lưu Đình Khải (thập niên 50) và 2 tác phẩm điêu khắc “Mùa xuân” 34x30cm (đá), “Cô gái Lèo” 49x40cm (đồng) của điêu khắc gia Lê Văn Mậu (1952).
Các tác phẩm hội họa giai đoạn 1954 – 1975 được sáng tác bởi các họa sĩ là giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, sau này là Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn như Lưu Đình Khải, Đỗ Đình Hiệp (xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương), Bùi Văn Kỉnh, Nguyễn Trí Minh, Nguyễn Văn Rô, Trần Kim Hùng, Trương Thị Thịnh, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung… (xuất thân từ trường Mỹ thuật Gia Định), đặc biệt còn có các họa sĩ bậc thầy về sơn mài như Nguyễn Gia Trí, sơn dầu như Văn Đen, khắc gỗ – thủ ấn họa như Tú Duyên [5, 64 - 73].
Những tác phẩm có chất liệu lụa gồm tranh “Đại lộ kinh hoàng” 95x115cm của Phạm Hoàng (1973); sơn dầu gồm tranh “Phong cảnh” 45x60cm của Trần Quang (1959), “Bến thuyền” (1960), “Quán cóc” 60x73cm của Văn Đen - họa sĩ thường vẽ theo chủ đề đời sống lao động dân dã bình dị, màu sắc tranh của ông nóng ấm, thiên về màu nâu đất trong một không khí tranh tối tranh sáng. Tranh “Ông và cháu” 81x65cm của Trần Kim Hùng (1960). “Vá lưới” 60x90cm của Thái Văn Ngôn (thập niên 60 của thế kỷ XX). Tranh “Hai thiếu nữ” của Nguyễn Trung (1961), “Tĩnh vật hoa” 55x64cm của Nguyễn Văn Rô (1963), “Cô gái” 150x100cm của Lê Chánh (1964), “Tĩnh vật” 64x80cm của Nguyễn Trung, “Tĩnh vật” 69.5x87.5cm của Nguyễn Lâm (1966). Nguyễn Lâm là một trong những họa sĩ trẻ chuyên về tranh sơn dầu theo trường phái biểu hiện. Có thể xem đây là thời kỳ đầu của con đường nghệ thuật của ông, với tranh sơn dầu cỡ nhỏ thể hiện cuộc sống dân dã, những xóm nghèo. Sau đó, tranh của ông trở nên tươi sáng, nhẹ nhàng hơn, chuyên về sơn mài và thể loại trừu tượng. Ông cùng với một số họa sĩ trẻ tuổi thời bấy giờ như Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ đoạt các giải thưởng “Hội họa mùa xuân” được tổ chức hàng năm (1960 – 1963). Tranh “Ra chợ” 72x88cm của Nguyễn Siên, “Buồn hoang” 70.5x75.5cm của Nguyễn Lâm (1969), “Phong cảnh” 44x46cm, “Trừu tượng (phố)” 73.5x40cm, tranh “Thuyền trên sông” của Nguyễn Trí Minh, tranh “Thiếu nữ khỏa thân” của Trương Văn Ý (thập niên 1970 của thế kỷ XX). Tranh “Cảnh chiều” 80x95cm của Nguyễn Huy Dũng (1971), “Chân dung tự họa” của Trương Thị Thịnh, họa sĩ nữ đầu tiên xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Bà theo trường phái ấn tượng, tranh của bà có màu sắc mạnh mẽ nhưng êm đềm. Tranh “Thiếu nữ và chinh” của Hồ Hữu Thủ, “Phong cảnh Bến Đá”, “Phong cảnh xóm lưới” của Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy), “Nude” của Bé Ký - họa sĩ được xem là hiện tượng của mỹ thuật Sài Gòn, bà thường vẽ ký họa lên lụa về hoạt cảnh dân dã hàng ngày, rất được ưa chuộng đối với du khách. Tranh “Cất cánh” (1972) của Tạ Tỵ. Ông là họa sĩ nổi tiếng từ trước năm 1954 về đường lối lập thể, nhưng tranh của ông vẫn là một điều lạ lẫm trong mắt quần chúng, có hướng nghiêng về trang trí, được trau chuốt, tính toán về màu và nét. “Chiến tranh và trẻ thơ” của Trần Kim Hùng. Ông còn là giảng viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và là người luôn tìm tòi để phát triển nghệ thuật theo nhiều phong cách, không theo trường phái riêng biệt nào. Tranh “Trừu tượng” của Nguyễn Phước (1972) - ông là một họa sĩ rất năng động và sáng tạo. Tranh của ông đa dạng về thể loại và chủ đề từ hiện thực đến trừu tượng, màu sắc được sử dụng rất ít, lấy màu nâu nhạt làm chính, đường nét đơn giản, bút pháp nhẹ nhàng. Tranh “Cá khô” 70x90cm của Tô Minh (Chí Cường), “Xóm nghèo” 57x80cm của Lê Thị Hiền (1973), “Thiếu nữ và hoa” (1974) của Nguyễn Trung, “Trung thu” 60x80cm của Hồ Thành Đức (1975); sơn mài gồm tranh “Chùa vàng” 60x65cm (1958), “Phong cảnh Suối Rút” 100x100cm (1960). “Bến thuyền sông Hồng” 63x77cm (1962), ”Phong cảnh” 67x55cm (1963) của Ủ Văn An - ông là một trong những họa sĩ Nam Bộ đầu tiên thi đỗ và tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa X, 1934 – 1939). Đây cũng là giai đoạn các họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Trần Quang Trân, Tô Ngọc Vân đang tìm tòi, khám phá kỹ thuật sơn mài, đồng thời là giai đoạn sơn mài Việt Nam bước sang giai đoạn mới – sơn mài mỹ thuật với những thay đổi về màu và vận dụng kỹ thuật hội họa phương Tây. Ủ Văn An là một trong những họa sĩ tài năng của giới mỹ thuật Việt
Các tác phẩm điêu khắc giai đoạn này được sáng tác bởi các điêu khắc gia là giảng viên, hiệu trưởng trường Kỹ thuật Biên Hòa (1964 – 1973) xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định và Cao Đẳng Mỹ thuật Huế [4,43].
Tác phẩm có chất liệu đá là pho tượng “Bóng xế tà” 54x43cm (1964); pho tượng “Quang Trung khải hoàn” 45x35cm (1966), “Lê Lợi khởi nghĩa” 56x50cm (1968), “Chân dung phụ nữ Nam Bộ I”, “Chân dung phụ nữ Nam Bộ II”, “Chân dung tự họa” (thập niên 60 của thế kỹ XX) của điêu khắc gia Lê Văn Mậu. Tác phẩm “Đám rước” của ông trong cuộc triển lãm của giáo sư E. Jonchère và sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1939 tại Hà Nội được nhận xét “với cách bố cục cùng với sự tìm tòi về phong cách thể hiện, đã dự báo đây là một nghệ sĩ tài năng”. Chất liệu bêtông có pho tượng “Cô gái Tây Nguyên” (1972) của Mai Chửng [3, 11 và 13].
Hoạt động của mỹ thuật Sài Gòn giai đoạn 1954 – 1975 đã ít nhiều tạo luồng sinh khí mới trong giới sáng tác nghệ thuật. Các nhóm, hội ra đời (nhóm Sáng Tạo (1955 – 1960), hội Họa sĩ Trẻ (1966 - 1975)) có quan niệm sáng tác gần với nghệ thuật hiện đại phương Tây, đề cao tự do, truyền bá các dòng tư tưởng mới, tổ chức triển lãm. Bằng các triển lãm và ý kiến có chất lượng, các nhóm hội đã xác lập được uy tín trong dư luận nghệ thuật (Nguyễn Lương Tiểu Bạch, 2005).
Hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch sưu tầm và hy vọng có thể tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập mỹ thuật đương đại của Bảo tàng các tác phẩm hội họa và điêu khắc của các tác giả tên tuổi Sài Gòn trước năm 1975 như họa sĩ Văn Ba, Bùi Văn Kỉnh, Lê Tùng, Nguyễn Sao, Ngô Viết Thụ, Hồng Cẩm, Nhan Chí, Đào Sỹ Chu, Trịnh Cung, Đinh Cường, Ngọc Dũng, Trần Đắc, Tôn Thất Đào, Hiếu Đệ, Lê Tài Điển, Đỗ Quang Em, Đoàn Giáp, Ngô Văn Hoa, Dương Văn Hùng, Nguyên Khai, Đào Thị Khanh, Hà Khê, Châu Văn Lang, Nguyễn Phi Long, Đặng Hoài Nam, Thái Văn Ngôn, Nguyễn Cao Nguyên, Cù Nguyễn, Lê Cao Phan, Tố Phượng, Lê Thị Quang, Nguyễn Tăng, Duy Thanh, Huỳnh Thành, Trần Văn Thọ, Trần Đình Thụy, Nguyễn Khoa Toàn, Phạm Văn Trí, Lâm Triết, Phạm Đình Tín, Thái Tuấn, Huy Tường, Nghy Cao Nguyên, Trương Văn Ý, Vị Ý, Kim Mỵ Yên… ĐKG. Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Văn Thế, Nguyễn Thanh Thu…
Hơn ba mươi năm thống nhất đất nước, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã có hai mươi năm hoạt động và trưởng thành. Một trong những định hướng trọng tâm sưu tầm của Bảo tàng là các tác phẩm nghệ thuật thể hiện đặc trưng của mỹ thuật miền
Nguyễn Thành Thi
(Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM 20 năm hình thành và phát triển 1987-2007)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Lương Tiểu Bạch (2005), “Mỹ thuật Việt Nam hiện đại”, NXB Mỹ thuật Hà Nội, tr. 145-148.
2. Mã Thanh Cao (2006), “Họa sĩ Ủ Văn An và các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh”, Thông tin Mỹ thuật số 13-14, tr.34-35.
3. Nguyễn Kim Loan (2007), “Họa sĩ Việt
4. Trần Cương Quyết (2003), “Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai – 100 năm hình thành và phát triển”, NXB Tổng hợp Đồng Nai, tr. 43.
5. Nguyễn Trung (2000), “Mỹ thuật Sài Gòn 1954 - 1975, Kỷ yếu hội thảo mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20”, NXB Mỹ thuật Hà Nội, tr. 64 – 73.
|
Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012
SƯU TẬP MỸ THUẬT SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1975
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)